Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Đầu hè, hàng loạt điện thoại Smartphone tầm trung giảm giá

 

Đầu hè, hàng loạt điện thoại Smartphone tầm trung giảm giá

Nhiều điện thoại giá dưới 10 triệu đồng của Samsung, Oppo hay Xiaomi, Nokia... giảm từ vài trăm tới cả triệu đồng.

 Sau khi đón nhận loạt sản phẩm mới đầu năm 2019, phân khúc smartphone dưới 10 triệu đồng đón nhận "làn sóng" giảm giá từ nhiều thương hiệu. Không chỉ những mẫu cũ, nhiều máy ra mắt chưa lâu cũng được điều chỉnh giá mạnh.

Samsung và Oppo - hai thương hiệu có thị phần dẫn đầu thị trường - có nhiều sản phẩm hạ giá đáng chú ý.
Samsung đang điều chỉnh lớn những sản phẩm thuộc dòng Galaxy tầm trung ra mắt từ cuối năm ngoái. Ví dụ, Galaxy A9 2019 được một hệ thống giảm đến 4 triệu đồng xuống còn 8,49 triệu đồng hay Galaxy A7 2018 giảm 1,3 đến 1,5 triệu đồng, xuống còn 5,69 triệu đồng. Bên cạnh đó, những model vừa ra đầu năm 2019 cũng đang được điều chỉnh lại, như Galaxy M20 giảm gần 1 triệu đồng xuống mức còn hơn 4 triệu đồng, hay Galaxy A50 hiện giờ cũng đang thấp hơn lúc mới ra mắt gần 1 triệu đồng.
Cạnh tranh cùng Samsung, nhiều smartphone tới từ Oppo cũng giảm giá, không chỉ model đời cũ mà cả những sản phẩm mới ra. Ví dụ, bộ đôi ăn khách vừa xuất hiện, F11 và F11 Pro, được một số hệ thống tại Hà Nội giảm 700.000 đến 850.000 đồng, tương đương 10% giá niêm yết. Trong khi đó, model tiền nhiệm F9 cũng có mức giảm khoảng 1 triệu đồng, xuống còn dưới 6 triệu đồng.
Ngoài Samsung và Oppo, hàng loạt smartphone tầm trung của Nokia, Xiaomi, Huawei... hay thương hiệu Việt như Vsmart cũng hạ giá dịp này. Những model bán khá tốt của Xiaomi, như Redmi Note 7 Pro, Mi 8 Lite hay Mi A2 Lite có giá hạ khoảng 500.000 đồng. Huawei P30 Lite xuất hiện chưa đầy 2 tháng nhưng giá tại nhiều cửa hãng đang thấp hơn giá công bố ban đầu 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nokia chưa ra sản phẩm mới nhiều bằng các đối thủ nhưng cũng giảm tới 1,5 triệu đồng cho những model năm ngoái như Nokia 8.1 Plus hay 6.1 Plus.
Nếu tính về số lượng, tầm giá từ 4 đến 9 triệu đồng là phân khúc có nhiều sản phẩm giảm giá nhất hiện giờ. Mức giảm không lên tới vài triệu đồng như một số model cao cấp, nhưng xét về tỷ lệ giảm so với giá bán thì không hề kém, có những model giảm 15% đến 20% giá như Galaxy A7 2018 hay Nokia 6.1 Plus.
Có model tầm trung có tỷ lệ giảm giá lên tới 20%
Sức tiêu thụ chậm đi theo mùa, chính sách bán hàng thay đổi... là những lý do hàng loạt smartphone tầm trung hạ giá. Theo quản lý chuỗi cửa hàng Hoàng Hà Mobile, nhiều sản phẩm tầm trung bán ra đợt đầu đi kèm quà tặng, sau khi hết chương trình nên giá giảm sâu. Bên cạnh đó, sản phẩm mới xuất hiện liên tục ở Việt Nam nên giá bán của những model cũ được nhà bán lẻ điều chỉnh thay đổi để phù hợp thị trường.
 
Theo đại diện hệ thống Media Mart, sức tiêu thụ điện thoại di động đang giảm dần. Đầu hè, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua đồ gia dụng, điện lạnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình thay vì sắm điện thoại, vì thế, mặt hàng này cần giảm giá để kích cầu, giữ doanh số.
Trich nguồn: http://vinanet.vn

 

Bộ Công Thương: Nếu tính đủ chênh lệch tỷ giá, giá điện tăng 9,26%

 

Bộ Công Thương: Nếu tính đủ chênh lệch tỷ giá, giá điện tăng 9,26%

Giá điện đáng ra cao hơn mức điều chỉnh ngày 20/3. Ảnh: EVN.

Giá điện hiện nay chưa tính khoản chênh lệch tỷ giá 3.266 tỷ đồng thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018. Nếu tính, giá điện sẽ tăng 9,26% thay vì 8,36% như điều chỉnh ngày 20/3.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc kiểm tra quá trình thực hiện việc tăng giá điện và cách tính giá bán lẻ điện. Theo đó, quá trình đề xuất và phương án tăng giá giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% kế từ ngày 20/3đều được Chính phủ đồng ý.
 
Theo Bộ Công Thương, tính toán trên thông số đầu vào cho thấy chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng. Cụ thể, giá than bán cho điện trong 2 lần tăng từ đầu năm 2019 và giá than trộn nội địa với nhập khẩu làm chi phí mua điện tăng hơn 7.330 tỷ đồng. Giá dầu và khí làm tăng chi phí gần 7.390 tỷ đồng. Giá điện đầu vào tăng 1.218 tỷ đồng do tỷ giá USD tăng. Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán với các nhà máy ảnh hưởng tới giá điện 3.825 tỷ đồng.
 
Với các thông số trên, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tương ứng tỉ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%. Mặt khác, theo Bộ, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 khoảng 3.266 tỷ đồng.Nếu bổ sung chi phí này, giá bán sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tăng tương ứng 9,26%.
 
Do đó, Bộ Công Thương cho biết thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ mức giá 1.864.44 đồng/kWh, Bộ đã ban hành quyết định 648 ngày 20/3 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
 
Về biểu giá điện bậc thang, Bộ cho rằng nhiều nước trên thế giới áp dụng. Bộ Công Thương đã lấy ý kiến rộng rãi, phương án như hiện nay được nhiều người chấp nhận hơn cả. Tuy nhiên, thời gian tới, biểu giá bậc thang mới sẽ được nghiên cứu, đề xuất để giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
 
Niêm yết, chốt sổ, tính tiền cho khách hàng đúng quy định
 
Báo cáo khẳng định sau kiểm tra cho thấy, việc niêm yết, công khai giá điện mới đã được thực hiện theo đúng Luật Giá. Bộ cũng đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng.
 
Về việc ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện (trong tháng thay đổi giá), cáp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện, các đơn vị đã thực hiện theo đúng quy trình kinh doanh, tuân thủ theo đúng quy định.
 
Bộ Công Thương cho rằng hoá đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Thứ hai, tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%. Thứ ba, kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3.
 
Bộ Công Thương cũng khẳng định các đơn vị điện lực làm đúng quy định khi chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng lớn.
 
 
Theo thống kê của EVN, từ 20/3 đến 4/5,Tập đoàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện. Trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện. Báo cáo cho hay, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả. Các đơn vị cũng chủ động giải đáp các thắc mắc của khách hàng trên phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội.
 
Ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864 đồng một kWh. Nhiều khách hàng phản ánh tiền điện trong tháng 4 tăng đột biến, các doanh nghiệp sản xuất ý kiến về việc tăng giá đột ngột không báo trước gây thiệt hải. Cơ cấu giá thành điện cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trích nguồn: Nam Anh/Người đồng hành

Giải đáp thỏa đáng 16.894 ý kiến thắc mắc liên quan đến tăng giá điện

 

Giải đáp thỏa đáng 16.894 ý kiến thắc mắc liên quan đến tăng giá điện

Báo cáo đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện Quyết định 846/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tất cả các thắc mắc, khiếu nại liên quan đến đợt điều chỉnh giá bán điện mới đã được giải đáp, xử lý thỏa đáng.
Làm tốt công tác chuẩn bị
 
Trước khi có thông tin điều chỉnh tăng giá điện, đơn vị đã phối hợp với công ty thông tin điện lực (EVNICT) kiểm tra phiên bản đổi giá trên chương trình phần mềm CMI3, các tình huống tính hóa đơn đã được kiểm tra kỹ càng để sẵn sàng cho việc tăng giá điện; Tích hợp công cụ cho phép khách hàng tự nhập sản lượng, ngày ghi chỉ số để tính ra tiền điện phải trả trên Website của Trung tâm chăm sóc khách hàng; Tăng cường nhân viên giao dịch tại các ca trực tại Trung tâm chăm sóc khách hàng để đảm bảo tiếp nhận khi các cuộc gọi của khách hàng tăng cao.
 
Ngày 19/3/2019, Ban Kinh doanh đã có công điện yêu cầu các đơn vị chuẩn bị các công việc liên quan đến công tác chốt chỉ số trong ngày đổi giá; Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn các Đơn vị thực hiện triển khai giá bán điện, trong đó tập trung vào công tác ghi chỉ số, phúc tra chỉ số công tơ, truyền thông giá điện trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên đài truyền hình các Tỉnh, niêm yết biểu giá điện mới tại phòng giao dịch, Website chăm sóc khách hàng.
 
Trong ngày 20/3, các đơn vị đã thực hiện chốt chỉ số 1,01 triệu công tơ ngoài mục đích sinh hoạt theo đúng quy định, đạt tỷ lệ 100%, trong đó chốt đo xa 57.530 công tơ chiếm 5,68% tổng số công tơ cần chốt; tổ chức phúc tra công tác chốt chỉ số công tơ đổi giá 70.616 công tơ.
 
Ngày 21/3/2019, Tổng công ty đã tổ chức Hội nghị truyền hình đến các Điện lực Quận/huyện tập huấn, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai giá bán điện mới; Thành lập nhóm hỗ trợ CMIS 3.0 tại Công ty CNTT, tạo Group trên Zalo để các đơn vị trao đổi, phản ánh các lỗi của phần mềm CMIS 3 trong tháng đổi giá.
 
Do việc hạ tầng công nghệ thông tin, trực vận hành được đảm bảo vận hành ổn định, vì vậy hơn 18 triệu hóa đơn của toàn Tổng công ty trong tháng 3 và tháng 4 đã phát hành đúng và kịp thời để phục vụ công tác sản xuất kinh doanh.
Tuân thủ quy định về việc ghi chỉ số, quy định giá bán điện
 
Hàng năm, lịch ghi chỉ số của khách hàng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 đều được các Công ty Điện lực/Điện lực phê duyệt, hàng tháng thông báo lịch ghi, tiền điện phát sinh qua tin nhắn SMS, Zalo, email.
 
Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định về giá bán điện, EVNNPC đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các công ty điện lực triển khai thực hiện giá bán điện mới. Trong đó đặc biệt chỉ đạo về việc chốt chỉ số công tơ, phúc tra chỉ số công tơ sau đổi giá bán điện.
 
Trong ngày đổi giá, các công tơ ngoài mục đích sinh hoạt đều thực hiện chốt chỉ số công tơ theo quy định. Sau khi chỉ số được cập nhập vào hệ thống quản lý thông tin khách hàng, đã thực hiện nhắn tin thông báo chỉ số chốt cho khách hàng qua tin nhắn SMS.
 
Trong tháng đổi giá bán điện, tổng số hóa đơn điện tử phát hành cho khách hàng là 9,84 triệu hóa đơn. Tất cả hóa đơn bán điện cho khách hàng được lập, tính toán, phát hành bằng hệ thống phần mềm quản lý thông tin khách hàng dùng chung áp dụng trong EVN.
 
Các thông tin về quyết định điều chỉnh, mức tăng, biểu giá điện bán lẻ được niêm yết công khai bằng nhiều hình thức khác nhau như trên website, phòng giao dịch của công ty/điện lực.
 
Để khách hàng tiện theo dõi, tính toán tiền điện, Tổng công ty đã tích hợp công cụ tính toán tự động của Tập đoàn trên trang website. Công cụ này đã bao gồm phương án tính toán nội suy cụ thể.
 
Với mục đích để khách hàng hiểu rõ về quyết định tăng giá, ngoài các biện pháp niêm yết, toàn đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương cũng như địa phương, nhất là công bố đường dây nóng và các kênh giao tiếp khác, kể cả mạng xã hội để khách hàng kịp thời phản ánh.
 
Các phản ánh, kiến nghị của khách hàng liên quan đến giá bán điện, hóa đơn tiền điện trên địa bàn TCT quản lý được các Đơn vị tiếp nhận đầy đủ, liên hệ và giải đáp kịp thời, thấu đáo cho khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, các Đơn vị cũng truyền thông, hướng dẫn khách hàng tự truy cập địa chỉ Web CSKH của Tổng công ty để tra cứu cách tính tiền điện đối với tháng có đổi giá bán điện (http://cskh.npc.com.vn/NewLetter/Detail?newId=726).
Ngoài ra, các Công ty Điện lực cũng chủ động trả lời trên đài truyền hình tỉnh nguyên nhân tiền điện tăng sau kỳ đổi giá và các đưa ra các khuyến nghị để khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Trọng Phụng – Giám đốc Trung tâm CSKH, cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng số cuộc gọi qua tổng đài là 457.526 với 520.475 yêu cầu Trong đó, số yêu cầu liên quan đến tra cứu giá bán điện mới, chỉ số hóa đơn tiền điện, kiến nghị chỉ số kể từ thời điểm đổi giá 20/3/2019 đến ngày 4/5/2019 toàn TCT là 16.894 yêu cầu. (tra cứu giá điện mới: 4.248 yêu cầu; tra cứu chỉ số, hóa đơn: 7.532 yêu cầu; kiến nghị về chỉ số, hoá đơn tiền điện: 5.114yêu cầu). Tất cả ý kiến, phản ảnh của khách hàng được Trung tâm CSKH các đơn vị tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin theo đúng quy định của EVN. Bên cạnh đó, đại diện các công ty điện lực cũng đã cung cấp thông tin, trả lời về các thắc mắc của khách hàng trên truyền hình địa phương.
 
 
Ông Đỗ Văn Năm - phó trưởng ban kinh doanh EVNNPC cho biết, trước khi các báo đưa tin về tiền điện tăng cao, trên địa bàn TCT quản lý có 02 khách hàng tại Công ty Điện lực Thái Nguyên và Công ty Điện Bắc Ninh đã đăng lên facebook thắc mắc về giá bán điện, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị liên hệ, xuống trực tiếp gặp gỡ, giải thích yêu cầu của khách hàng và 2 khách hàng đã hiểu, gỡ bài trên facebook. Cụ thể trường hợp khách hàng Nguyễn Hòa Hưng ở Đại Từ (Thái Nguyên) đã đăng thông tin về tiền điện tăng cao. Sau khi biết thông tin, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã làm việc trực tiếp với khách hàng vào ngày 16/4/2019. Kết quả là khách hàng đã tự ý đấu nối thêm 01 cầu dao đảo chiều phía sau aptomat bảo vệ công tơ của hộ ông Nguyễn Hòa Hưng và ông Nguyễn Thanh Hải - bố đẻ của ông Hưng đang sử dụng 01công tơ riêng để thao tác đóng cắt luân phiên để san sẻ sản lượng điện cho cả 02 gia đình cùng sử dụng. Do tháng 4/2019, ông Hưng quên không đảo cầu dao cấp điện của hai công tơ nên sản lượng của gia đình ông Hưng tăng lên là do sử dụng điện đúng thực tế của gia đình khi không đảo cầu dao cấp điện. Gia đình đã vi phạm quy định về kiểm tra sử dụng điện, Đơn vị Điện lực yêu cầu gia đình tháo bỏ cầu dao trên và xử lý theo quy định. Khách hàng đã xin lỗi Điện lực và gỡ bài trên facebook vì gia đình đăng tin không chính xác.
 
Trường hợp thứ hai là khách hàng Nguyễn Văn Đoàn - Thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh phản ánh về chỉ số điện và tiền điện tăng. Công ty Điện lực Bắc Ninh đã làm việc trực tiếp với khách hàng vào ngày 16/4/2019. Kết quả: Nhân viên Điện lực Thuận Thành ghi chỉ số nhầm. Do đó lãnh đạo đơn vị Điện lực Thuận Thành đã trực tiếp gặp xin lỗi khách hàng và chỉ đạo các bộ phận chức năng sửa lại hóa đơn tiền điện tháng 3/2019 cho gia đình. Khách hàng hoàn toàn nhất trí, thống nhất với nội dung làm việc, không có ý kiến thắc mắc gì thêm và đã gỡ bài trên facebook.
Trich nguồn: Báo Công thương điện tử

Trẻ em, học sinh giỏi được đi máy bay miễn phí

 

Trẻ em, học sinh giỏi được đi máy bay miễn phí

 Từ ngày 1.6, Vietnam Airlines triển khai đồng thời hai chương trình tặng vé máy bay dành riêng cho trẻ em dưới 12 tuổi và học sinh giỏi.

Cụ thể, với các em nhỏ dưới 12 tuổi, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines triển khai chương trình “Mua 2 vé người lớn, tặng 1 vé trẻ em đi kèm” cho hành trình khứ hồi đi Thái Lan, Singapore, Malaysia hạng Phổ thông tiêu chuẩn trở lên. Để nhận ưu đãi, khách hàng cần đáp ứng điều kiện trẻ em và 2 người lớn có cùng mã đặt chỗ và xuất vé cùng lúc.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn thực hiện chương trình “Tặng vé cho học sinh giỏi”, tặng vé máy bay khứ hồi đi nội địa và Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thái Lan cho học sinh cấp 1, 2, 3 đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương), cấp quốc gia được cấp giấy chứng nhận bởi Sở/Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các học sinh đạt giải thưởng cấp quốc tế trong năm học 2018, 2019.
Các em cần mang theo bản sao giấy chứng nhận đạt giải kèm bản gốc (để đối chiếu), chứng minh thư, căn cước công dân hoặc giấy khai sinh đến các phòng vé của Vietnam Airlines để nhận vé thưởng.
Chương trình ưu đãi “Mua 2 vé người lớn, tặng 1 vé trẻ em đi kèm” áp dụng cho vé xuất từ ngày 1 - 30.6 và hành trình thực hiện trong thời gian từ ngày 1.6 - 31.3.2020. Chương trình “Tặng vé cho học sinh giỏi” áp dụng cho vé xuất từ ngày 1.6 - 31.8 và cho hành trình thực hiện trong thời gian từ ngày 1.6 - 31.3.2020. Các vé tặng chưa bao gồm các khoản thuế, lệ phí và có các điều kiện kèm theo.
Đại diện Vietrnam Airlines cho biết các chương trình trên nhằm hướng tới hưởng ứng dịp tết thiếu nhi năm nay, đồng thời nằm trong chiến dịch “Hành trình yêu thương - Flights of Love” của Vietnam Airlines được khởi xướng từ năm 2017 bao gồm nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước như chuyến bay Trung thu, chuyến bay tết thiếu nhi, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em nghèo…"Thông qua các chương trình này, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mang đến cho trẻ em nhiều hơn nữa những chuyến đi thú vị và các bài học ý nghĩa trong cuộc sống" - đại diện Vietrnam Airlines nói.
 
Nguồn: Thanhnien.vn

 

Thị trường dầu đối mặt với ba kịch bản của Venezuela

 

Thị trường dầu đối mặt với ba kịch bản của Venezuela

Tình trạng bất ổn ở Venezuela đang đè nặng ngành dầu mỏ nước này.

Khủng hoảng tại Veneuzuela và những hậu quả tiềm tàng sẽ ảnh hưởng thế nào đến nguồn kinh tế cơ bản của Venezuela - ngành dầu mỏ - là những gì giới phân tích đang theo dõi sát sao.
 
Khủng hoảng chính trị và nhân đạo
Khủng hoảng chính trị và nhân đạo tại Venezuela đã gây ra một loạt cuộc đình công qui mô quốc gia tại nước này. Đồng thời, người dân Venezuela được báo cáo đang thiếu lương thực và thuốc men.
 
Do đó, tình hình hiện tại và những hậu quả tiềm tàng của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến nguồn kinh tế cơ bản của Venezuela - ngành dầu mỏ - đều được giới phân tích theo dõi sát sao.
 
Venezuela - một thành viên của OPEC - đang phụ thuộc vào dầu mỏ vì 98% lợi nhuận từ xuất khẩu của Venezuela đến từ loại nhiên liệu này.
 
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp dụng biện pháp trừng phạt lên PDVSA, công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela, để doanh nghiệp này không được xuất khẩu sang quốc gia đồng minh - Cuba.
 
Tình trạng bất ổn ở Caracas sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt lên dầu thô Iran đã đè nặng lên thị trường.
 
Bà Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hoá toàn cầu của RBC Capital Markets và nhóm của bà đã đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra đối với Venezuela, và ý nghĩa của chúng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.
 
Kịch bản 1: Tổng thống Nicolas Maduro từ chức, ông Juan Guaido lên nắm quyền
Sự ra đi đột ngột của Tổng thống Maduro và sự chuyển giao quyền lực sang chính phủ cải cách của ông Juan Guaido sẽ tạo ra những hi vọng tốt nhất cho sự hồi sinh của nền kinh tế Venezuela, bà Croft và nhóm của mình chia sẻ hôm 1/5.
 
Nhà lãnh đạo phe đối lập, ông Juan Guaido, từng tuyên bố sẽ trở thành Tổng thống lâm thời và buộc người đương nhiệm Nicolas Maduro phải từ bỏ quyền lực.
 
"Kịch bản này sẽ không mang lại lợi ích cho giá dầu, đặc biệt là khi nhiều nhà đầu tư có thể cho rằng hoạt động sản xuất dầu tại Venezuela sẽ hồi phục nhanh chóng và không phức tạp. Tuy nhiên, ngay cả khi trường hợp này xảy ra, chúng tôi vẫn đưa ra cảnh báo sự hồi phục của ngành dầu mỏ Venezuela sẽ rất gian nan".
 
Croft và nhóm của bà, gồm hai chiến lược gia hàng hóa Christopher Louney và Michael Tran cùng chiến lược gia điều phối Megan Schippmann, đã cảnh báo ngay cả khi ông Guaido lên nắm quyền, tình hình an ninh của Venezuela vẫn còn nhiều căng thẳng.
 
Họ cũng không cho rằng ông Guaido sẽ giành chiến thắng trong giai đoạn này.
 
Kịch bản 2: Tổng thống Maduro tiếp tục nắm quyền
Nếu Tổng thống Maduro có thể vượt qua những làn sóng phản đối và tiếp tục nắm quyền, RBC lưu ý nền kinh tế Venezuela sẽ bị sụp đổ một cách nhanh chóng khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt.
 
"Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ khiến doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela giảm sâu hơn bằng cách buộc các nước tiêu thụ như Ấn Độ phải hạn chế mua dầu. Washington cũng có thể đưa ra yêu cầu buộc các công ty năng lượng Mỹ ngừng hoạt động ở Venezuela và các công ty châu Âu ngừng cung cấp chất pha loãng cũng như các dịch vụ khác cho PDVSA".
 
Các biện pháp trừng phạt như trên, cùng với việc cắt điện, sẽ tiếp tục kìm hãm hoạt động sản xuất dầu của Venezuela và đưa sản lượng dầu của nước này về gần bằng 0 vào thời điểm cuối năm nay, các chiến lược gia lưu ý.
 
Đây có thể là kịch bản giá lên tốt nhất của giá dầu và điều này này là khá hợp lí khi Tổng thống Nicolas Maduro đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Nga.
 
 
Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro (Nguồn: Getty Images)
 
 
Cũng trong kịch bản này, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ gây áp lực lên Arab Saudi để nước này tăng sản lượng dầu thêm 400.000 - 500.000 thùng/ngày vào thị trường để bù đắp nguồn cung giảm từ Venezuela.
 
Kịch bản 3: Tổng thống Maduro ra đi, quân đội tiếp tục nắm quyền
Một kịch bản ngắn hạn khác được Croft và nhóm của bà xem là hợp lí chính là khả năng quân đội sẽ lật đổ Tổng thống Maduro và ủng hộ một ứng viên khác, người mà họ cho rằng sẽ tránh càn quét các cải cách kinh tế và chính trị - vốn có thể xóa xổ bộ máy bảo trợ hiện hành tại Venezuela.
 
"Một cuộc đảo chính như thế có thể tạm ngưng các lệnh trừng phạt hiện tại bởi Nhà Trắng sẽ cân nhắc liệu họ nên dành bao nhiêu thời gian và nguồn lực cho Venezuela khi ông Maduro đã rời đi", các nhà phân tích cho hay.
 
Điều này sẽ dẫn đến khả năng giá dầu thô tăng vừa phải. "Một ứng viên quân sự có thể sẽ không giành được sự hỗ trợ cần thiết từ quốc tế để kéo ngành dầu mỏ Venezuela đi lên, ngay cả khi các lệnh trừng phạt bổ sung không được áp dụng ngay lập tức".
 
Theo đó, OPEC nhiều khả năng sẽ áp dụng chiến thuật "chờ và xem" trong việc lấp đầy khoảng trống nguồn cung do Venezuela gây ra.
Trích nguồn: Trần Nam Thi/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng

Hỗ trợ trực tuyến

4390563
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
3505
3902
11530
2330825
90509
4390563

Your IP: 3.135.214.139
Server Time: 2024-11-26 14:49:39

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 38 guests and no members online