Warning
  • Sorry No Product Found!!.

28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg

28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg

 Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
 
 
Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
 
Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22 tháng 4 tùy diễn biến dịch bệnh.
 
Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc cách ly toàn xã hội và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Đánh giá cao và biểu dương tinh thần đoàn kết, quyết tâm và hiệu quả phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là của lực lượng y tế, quân đội, công an, ngoại giao; thông tin và truyền thông, giao thông vận tải và các địa phương trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị đạt kết quả, chưa có trường hợp tử vong… là kết quả rất tích cực.
 
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp đã tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra.
 
Trên thế giới dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, số người mắc bệnh và tử vong vẫn tăng cao hàng ngày. Trong nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Bộ, ngành, địa phương mình; huy động cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; phát huy hiệu quả 4 tại chỗ bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
 
Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân; kiên định các chiến lược đã đề ra: Ngăn chặn, phát hiện nhanh; cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả; có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, vừa duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở phòng, chống dịch thành công, bảo đảm sự ổn định căn bản, lâu dài về việc làm và an sinh xã hội.
 
Phòng, chống dịch với mục tiêu bao trùm: Kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế các trường hợp tử vong, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế - xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để từng địa phương có thể linh hoạt thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội; xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài.
 
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh
 
Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn của mình một cách phù hợp theo các cấp độ: yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo đối với các hoạt động của 3 nhóm tỉnh, thành phố là: ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.
 
Bên cạnh đó, quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng chống dịch; tập trung xử lý triệt để các ổ dịch đã phát hiện.
 
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương chịu trách nhiệm: Quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, có thể áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo quy mô cấp xã hoặc cấp huyện tuỳ thuộc nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn; quyết định việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
 
Không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020
 
Các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh. Không nới lỏng chính sách hạn chế nhập cảnh đến ngày 30/4/2020. Kiểm soát chặt người nhập cảnh, tạm dừng cấp visa nhập cảnh với người nước ngoài cả đường bộ, đường không, đường thuỷ (trừ trường hợp ngoại giao, công vụ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao, nhà đầu tư quốc tế...).
 
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo hạn chế các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam, hạn chế chuyến bay nội địa. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước (30 tháng 4) và Quốc tế Lao động (01 tháng 5).
 
 
Các Bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh.
 
Tiếp tục tăng cường các hoạt động họp trực tuyến, học trực tuyến, thanh toán trực tuyến; khuyến khích cán bộ làm việc tại nhà. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu cơ quan nhà nước khác quyết định cụ thể việc này, bảo đảm công việc thông suốt, chất lượng, đúng kế hoạch, nhất là những công việc có thời hiệu, thời hạn.
 
Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất và các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh trước đại dịch ở 63 tỉnh, thành; đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lây lan dịch bệnh và phương án ứng phó phù hợp với từng ngưỡng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
 
Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục phổ biến, hướng dẫn người dân những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình, nâng cao ý thức công dân trong phòng, chống dịch; tránh đưa thông tin gây chủ quan, hoang mang trong nhân dân.
 
Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai việc hỗ trợ an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết của Chính phủ. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị mới về phòng, chống dịch COVID-19.

Nguồn: https://ncov.moh.gov.vn/

Trích: http://vinanet.vn/

Dịch COVID-19: Các hãng hàng không thông báo tăng tần suất bay từ 16/4

Dịch COVID-19: Các hãng hàng không thông báo tăng tần suất bay từ 16/4

 Tối 15/4, đại diện các Hãng hàng không trong nước đều công bố tăng tần suất khai thác đường bay giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 16/4 theo cấp phép của Cục Hàng không Việt Nam.
Tối 15/4, đại diện các Hãng hàng không trong nước đều công bố tăng tần suất khai thác đường bay giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 16/4 theo cấp phép của Cục Hàng không Việt Nam.
 
Máy bay của hãng hàng không Vietjet Air
Tối 15/4, đại diện các Hãng hàng không trong nước đều công bố tăng tần suất khai thác đường bay giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 16/4 theo sự điều hành, cấp phép của Cục Hàng không Việt Nam. Các chuyến bay hạ cánh tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện giãn cách tối thiểu 90 phút.
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/ngày thay cho 1 chuyến/ngày như trước đây. Bên cạnh đó, các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh vẫn được hãng duy trì khai thác 1 chuyến/ngày.
Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng tăng tần suất đường bay giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh lên 1 chuyến/ngày thay cho 4 chuyến/tuần như trước đây.
 
Các chuyến bay được thực hiện dưới hình thức hợp tác liên danh theo chiến lược “thương hiệu kép” với Vietnam Airlines nhằm tiết kiệm nguồn lực và chi phí của hai hãng trước ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Đặc biệt, hành khách mua vé của Vietnam Airlines (số vé bắt đầu bằng 738) đi trên các chuyến bay liên danh do Jetstar Pacific khai thác (có số hiệu VN4565, VN4566) sẽ được hưởng đầy đủ dịch vụ từ mặt đất đến trên không như bay trên Vietnam Airlines, bao gồm tiêu chuẩn hành lý ký gửi miễn cước, suất ăn trên chuyến bay...
 
Hành khách là hội viên Bông Sen Vàng vẫn được hưởng tất cả chính sách của chương trình bao gồm cộng dặm, trả thưởng và các ưu đãi, quyền lợi ưu tiên khác.
Còn theo đại diện Vietjet Air, từ ngày 16/4, hãng sẽ tăng tần suất khai thác các chuyến bay khứ hồi chở khách giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh lên 2 chuyến mỗi ngày, 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày với chặng bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng, 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày với chặng bay giữa Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ngoài ra, mỗi ngày Vietjet Air còn khai thác khoảng 10 chuyến bay chuyên chở hàng hóa. Bên cạnh hàng hóa thông thường, các chuyến bay còn thực hiện nhiệm vụ chuyên chở miễn phí vật tư, trang thiết bị y tế để hỗ trợ phòng chống dịch.
 
Vietjet cũng tài trợ vận chuyển miễn phí các y bác sĩ và nhân viên y tế đi trên những chuyến bay của hãng trong suốt thời gian này.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh tàu bay, các hãng hàng không khẳng định sẽ thực hiện nghiêm ngặt phun khử trùng và vệ sinh trang thiết bị ngay sau mỗi chuyến bay hạ cánh tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh.
 
Toàn bộ đội tàu bay khai thác trong ngày sẽ được phun khử trùng một lần nữa và ủ thuốc qua đêm vào cuối ngày.
Ngoài ra, các hãng vẫn duy trì triển khai và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch như kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay, yêu cầu khai báo sức khỏe trực tuyến trước chuyến bay, từ chối vận chuyển hành khách có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19 và bố trí chỗ ngồi giãn cách trên máy bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.
  
Tổ bay gồm phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật... trên tất cả chuyến bay đều được trang bị đồ bảo hộ y tế. Hành khách đi máy bay trong thời gian này được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay.
Để biết thêm thông tin về lịch bay và các chính sách của Vietnam Airlines, hành khách truy cập website www.vietnamairlines.com, ứng dụng di động Vietnam Airlines, trang Facebook tại địa chỉ: www.facebook.com/VietnamAirlines; liên hệ các phòng vé của Vietnam Airlines trên toàn quốc hoặc Tổng đài Chăm sóc khách hàng 1900 1100. Hành khách của Jetstar Pacific truy cập website www.jetstar.com/vn, trang Facebook tại địa chỉ www.facebook.com/JetstarVN hoặc liên hệ Tổng đài Chăm sóc khách hàng 1900 1550.
Đối với hãng hàng không Vietjet Air, hành khách có thể truy cậpwebsite www.vietjetair.com, đường dây nóng 19001886, trang Facebook chính thức tại địa chỉ https://www.facebook.com/vietjetvietnam/, phòng vé và các đại lý chính thức của hãng./.

Nguồn: BNEWS/TTXVN

Trích: http://vinanet.vn

Việt Nam tăng trưởng âm trong kịch bản kinh tế xấu nhất

 

Việt Nam tăng trưởng âm trong kịch bản kinh tế xấu nhất

 Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã xây dựng 3 kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2020.
Theo đó, trong kịch bản xấu nhất, khi tác động xấu của dịch Covid-19 kéo dài tới tận quý IV/2020, GDP của Việt Nam có thể sẽ ở mức tăng trưởng âm với -1%.
3 kịch bản kinh tế do các chuyên gia VEPR xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới với giả định bệnh dịch không bùng phát mạnh ở Việt Nam như Vũ Hán.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, với kịch bản 1, còn gọi là kịch bản lạc quan, bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.
Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP quý II rơi vào tăng trưởng âm với -3,3%, quý III là 7,2% và quý IV là 7,4%, cả năm tăng trưởng 4,2%.
Với kịch bản 2 (trung tính), bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020.
Với kịch bản này, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 4,9%; GDP quý III là -1,1% quý IV là 7% và cả năm 1,5%.
Kịch bản 3, kịch bản xấu nhất, theo tính toán của VEPR sẽ diễn ra trong bối cảnh bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng.
Trong kịch bản này, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1-5%), ngành khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm; ngành chế biến chế tạo kéo dài mức tăng trưởng âm trong quý II và quý III.
Tăng trưởng kinh tế theo đó giảm xuống -5,1% ở quý II, quý III là -5,3% và quý IV là 2,8%. Tăng trưởng GDP cả năm chỉ ở mức -1%.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang XK sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.
 
“Con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây”, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết.
Chuyên gia VEPR nhấn mạnh, cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch, theo đó cần chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”. Trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các DN còn có khả năng hoạt động, có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương.
 Nguồn: Haiquanonline
 Trích: http://vinanet.vn

Một số chính sách bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2020

 

Một số chính sách bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2020

 Bắt đầu từ ngày 15/4/2020, hàng loạt các chính sách sẽ bắt đầu có hiệu lực. Một vài chính sách nổi bật như Nghị định 28/2020/NĐ-CP có quy định phạt đến 150 triệu đồng đối với không khám sức khỏe cho nhân viên, hay Nghị định 15/2020/NĐ-CP có nội dung đáng chú ý về việc đăng tin giả để “câu like” trên Facebook có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng.
Tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức nhưng người lao động không muốn khám. Mức phạt tối đa 75 triệu đồng. Riêng với tổ chức thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân, tương đương tối đa 150 triệu đồng.
Nghị định này cũng có nhiều quy định mới trong xử phạt hành chính lĩnh vực lao động như: Doanh nghiệp tạm đình chỉ công việc đối với người lao động không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; doanh nghiệp áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với 01 hành vi vi phạm kỷ luật lao động sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh. Đồng thời, buộc phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động nếu có hành vi vi phạm quy định này; phạt tiền tới 150 triệu đồng nếu doanh nghiệp không trả sổ BHXH cho người lao động khi người lao động nghỉ việc…
Tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với người thực hiện một trong các hành vi khác trên mạng xã hội như: Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
 
Đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng đối với hành vi: Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng; lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Mức phạt cao nhất tại khoản 6 Điều 104 Nghị định 15 quy định từ 170 - 200 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng thành tiền hoặc thẻ thanh toán hoặc phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào.

Nguồn: VITIC

Trích: http://vinanet.vn

Canada từ chối cắt giảm sản lượng khai thác, thị trường dầu mỏ tiếp tục bế tắc

Canada từ chối cắt giảm sản lượng khai thác, thị trường dầu mỏ tiếp tục bế tắc

 Canada, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 4 thế giới, cho biết nước này không đưa ra bất kỳ cam kết cắt giảm sản lượng khai thác trong bối cảnh liên minh OPEC+ đang nỗ lực tìm kiếm ủng hộ của các nước để giải cứu thị trường dầu mỏ.
Kết thúc hội nghị các bộ trưởng năng lượng các nền kinh tế lớn – khối G20 do Ả-rập Xê-út chủ trì vào ngày 10/4, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Seamus O’Regan cho biết nước này không cam kết bất kỳ mức cắt giảm sản lượng cụ thể nào. Việc Canada, nước khai thác dầu thô lớn thứ 4 thế giới, từ chối cam kết cắt giảm sản lượng tiếp tục khiến việc giải cứu thị trường dầu mỏ trở nên phức tạp hơn.
 
Trong ngày 9/4, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã tiến hành thảo luận việc cắt giảm sản lượng lên tới 10 triệu thùng/ngày nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu thô.
 
Thoả thuận này sẽ buộc Ả-rập Xê-út và Nga, mỗi quốc gia, cắt giảm sản lượng khai thác 2,5 triệu thùng/ngày; Iraq cắt giảm 1 triệu thùng/ngày và các quốc gia còn lại cắt giảm tới 23% sản lượng khai thác.
 
Liên minh OPEC+ cho biết tất cả các quốc gia, ngoài trừ Mexico đều đồng ý khung cắt giảm sản lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, Mexico vẫn giữ vững quan điểm không cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày theo mức ấn định mà cho biết chỉ sẵn lòng cắt giảm 100.000 thùng/ngày.
 
Hãng tin Reuters cho biết Ả-rập Xê-út và các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đang nỗ lực thảo luận lại với Mexico để có phương án cắt giảm phù hợp. Nếu thành hiện thực thì đây sẽ là thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lớn nhất mà liên minh OPEC+ thực hiện trong lịch sử.
 
Bên cạnh đó, liên minh OPEC+ cho biết mong muốn các quốc gia khai thác năng lượng lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy và Brazil sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 5 triệu thùng/ngày nhằm nâng tổng mức cắt giảm sản lượng lên 15 triệu thùng/ngày tương đương 15% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Tuy nhiên, Canada đã từ chối không cắt giảm sản lượng và Hoa Kỳ cũng không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào.
 
Các quốc gia khác thuộc khối G20 cũng không đưa ra được đột phá nào hoặc cam kết cắt giảm sản lượng khai thác mặc dù đều đồng ý rằng việc bình ổn thị trường năng lượng là điều cần thiết và cần có các hành động “ngay lập tức” để ổn định thị trường dầu mỏ.
 
Các hãng khai thác dầu thô Canada đang phải thu hẹp quy mô hoạt động khi giá dầu thô xuống thấp (Ảnh: The Canadian Press)
Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Seamus O’Regan cho biết cuộc họp của khối G20 chỉ dừng lại ở việc đồng thuận thành lập một cơ chế nhằm ổn định giá dầu thô chứ không đưa ra được bất kỳ con số cụ thể nào để giúp giá dầu thô.
 
Ông Seamus O’Regan cũng cho biết, theo mô hình nhà nước liên bang của Canada, ông không có thẩm quyền để đưa ra cam kết cắt giảm sản lượng khai thác, chỉ có chính quyền các tỉnh bang của Canada mới có thể đưa ra mức cắt giảm.
 
[Xem thêm tại: Giá 1 thùng dầu thô tại Canada hiện rẻ hơn 1 vại bia vì dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu]
 
Theo ông Seamus O’Regan, sản lượng khai thác dầu của tỉnh bang Alberta – khu vực khai thác dầu lớn nhất Canada đã giảm 80.000 thùng/ngày do giá dầu thô thấp buộc nhiều hãng khai thác phải thu hẹp quy mô hoạt động. Dự kiến sản lượng khai thác dầu thô của Canada sẽ giảm thêm 750.000 thùng/ngày do nhu cầu sử dụng hiện ở mức thấp.
 
 
Hiện tại chỉ có Na Uy, quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất Châu Âu, cho biết vẫn xem xét việc cắt giảm sản lượng nếu như liên minh OPEC+ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Mặc dù Na Uy không phải thành viên của của liên minh OPEC+ cũng như khối G20 nhưng quyết định của Na Uy vẫn đóng vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng do sản lượng khai thác của quốc gia này chiếm 2% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
 
Sản lượng khai thác của Na Uy đã tăng mạnh trong thời gian gần đây nhờ việc đẩy mạnh khai thác tại một số mỏ mới. Trong tháng 2/2020, sản lượng khai thác của Na Uy đạt 1,75 triệu thùng/ngày, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong quá khứ, Na Uy đã từng vài lần cắt giảm sản lượng khai thác cùng lúc với OPEC khi giá dầu thô giảm mạnh.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn

Trích: http://vinanet.vn

Hỗ trợ trực tuyến

4384114
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
958
4123
5081
2330825
84060
4384114

Your IP: 18.222.92.56
Server Time: 2024-11-25 04:33:40

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 46 guests and no members online