Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Có cần thiết?

Vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong thực tế đang gây bức xúc cho người tiêu dùng bởi chính nó làm nhiễu loạn thị trường

Trước nhiều góp ý của giới chuyên gia, Bộ Công Thương khi xây dựng và phê duyệt Nghị định số 83/2014 vẫn quyết định kế thừa công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) trong điều hành giá xăng dầu từ nghị định trước. Tuy nhiên, một điểm khác là nghị định mới không cho phép doanh nghiệp (DN) đầu mối tự giữ Quỹ BOG nhằm tránh tình trạng lợi dụng quỹ làm lợi riêng.

Người dân không cần giữ hộ tiền!

Nghị định 83/2014 quy định rõ DN không được phép giữ Quỹ BOG như trước mà phải hạch toán và theo dõi riêng bằng tài khoản tiền gửi ở một ngân hàng thương mại, nơi DN có giao dịch. DN là chủ tài khoản và thực hiện các thủ tục giao dịch, đồng thời phải công khai toàn bộ thông tin về số dư quỹ này.

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, phần lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG được gửi ở ngân hàng sẽ cộng trực tiếp vào quỹ, giúp tăng nguồn quỹ. Trong trường hợp quỹ âm, phần âm sẽ bị ngân hàng tính lãi và sau này phải hoàn lại ngân hàng cả gốc lẫn lãi.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất không tăng thêm lợi ích cho người tiêu dùng Họa đồ: FƯƠNG ANH
 

 

Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất không tăng thêm lợi ích cho người tiêu dùng Họa đồ: FƯƠNG ANH

Như vậy, nếu điều hành xăng dầu làm cho Quỹ BOG dương thông qua duy trì trích lập quỹ, quỹ được tăng thêm phần lãi suất thì bản thân người tiêu dùng cũng phải mua xăng đắt thêm so với thực tế (hiện nay là 300 đồng/lít). Còn nếu Quỹ BOG bị âm thì việc chi sử dụng quỹ sẽ phải gánh thêm phần lãi suất. Xét cho cùng, phần này sẽ bị tính vào giá xăng.

Theo các chuyên gia, Nghị định 83/2014 với cách điều hành linh hoạt hơn sẽ hiếm có trường hợp quỹ xăng dầu rơi vào trạng thái âm. Do đó, lo lắng về việc phải gánh thêm lãi phần âm quỹ là không lớn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn phản đối việc sử dụng Quỹ BOG, bởi lẽ, nếu chưa kể đến khả năng bị lạm dụng để hưởng lợi hoặc đầu tư cho các hoạt động ngoài ngành thì về bản chất, Quỹ BOG không tăng thêm bất cứ lợi ích nào cho người tiêu dùng. “Nếu hỏi người dân thì chắc chắn họ không đồng tình với việc mỗi ngày đi chợ, nếu mua được hàng giá rẻ thì mang tiền dư của mình đưa cho “ông hàng xóm” nào đó giữ hộ, đến hôm giá đắt thì sang nhà “ông hàng xóm” xin lại tiền bù vào. Quỹ BOG về bản chất cũng giống như vậy nên nó hoàn toàn không cần thiết” - một chuyên gia từng hoạt động trong Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ví von.

Thực tế, với định hướng đưa mặt hàng xăng dầu về hoạt động đúng cơ chế và diễn biến thị trường thì người tiêu dùng hoàn toàn chấp nhận nhịp điệu giá biến động theo thế giới mà không cần bất cứ công cụ nào mang danh nghĩa “giúp” họ cả.

Trích lập quá cứng nhắc

Thậm chí, ngay trong trường hợp để Quỹ BOG được tồn tại đúng với ý nghĩa của nó thì việc vận hành trong thực tế vẫn để lộ nhiều điểm bất ổn.

Có thể diễn giải nguyên lý trích lập và sử dụng Quỹ BOG như sau: khi giá xăng dầu thế giới giảm thấp thì nhà nước tranh thủ trích lập quỹ vào giá xăng với mục đích “để dành” nhằm ứng phó với chu kỳ giá cao. Đến khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá trong nước buộc phải điều chỉnh tăng theo thì sẽ có nguồn quỹ dự trữ giúp giá không bị tăng sốc.

Lý thuyết là thế nhưng quá trình vận dụng không linh hoạt đã dẫn đến nhiều kỳ điều hành giá rất phi lý. Thực tế này đã tồn tại nhiều năm qua và được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong báo cáo kiểm toán năm 2014, công bố đầu tháng 7-2015. Theo đó, báo cáo nêu đầu năm 2011, chính sách điều hành giá bán xăng dầu và các quyết định trích, sử dụng Quỹ BOG chưa phù hợp, không bảo đảm mục tiêu BOG, làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống an sinh xã hội. Cụ thể, chính sách điều hành đã ghìm giữ giá xăng dầu quá thấp so với giá xăng dầu thế giới trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, Quỹ BOG đã bị sử dụng quá đà, không còn nguồn bù đắp phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu cao…

Ngay thời điểm hiện tại, số dư quỹ đến hết quý II/2015 còn khoảng 1.800 tỉ đồng và đã dừng xả quỹ trong một số kỳ điều hành gần đây. Mặt khác, giá xăng dầu thế giới tiếp tục đà xuống dốc khi giá xăng dầu tại thị trường Singapore phiên ngày 14-8 đã giảm đến 1,16 USD/thùng chỉ sau 1 ngày, xuống mức 65,10 USD/thùng. “Như vậy, áp lực tích lũy quỹ để ứng phó giá tăng sốc là không hề nặng nề trước diễn biến thị trường như hiện nay. Với số dư đã có, hoàn toàn có thể dừng trích quỹ hoặc trích ở mức thấp hơn để người tiêu dùng mua được xăng giá rẻ hơn chứ không nên máy móc khi giá thế giới giảm thì trong nước phải trích quỹ” - một chuyên gia xăng dầu nêu quan điểm.

PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng vận hành Quỹ BOG hiện nay dẫn đến tình trạng điều hành giá xăng chưa “thỏa đáng” với người tiêu dùng. Bởi lẽ, không một ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức “bỏ tiền ra cho người khác giữ” trong khi rất khó kiểm soát được đồng tiền của mình được sử dụng ra sao.

Trích nguồn : http://cafef.vn/

Vận hành thị trường bán buôn điện hoàn chỉnh vào năm 2019

 Lộ trình thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ thực hiện theo 4 giai đoạn, đến năm 2019 sẽ vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất trên 30 MW trực tiếp tham gia thị trường điện. Ảnh internet.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Theo đó, bên bán điện gồm các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất trên 30 MW trực tiếp tham gia thị trường điện; các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống có quyền lựa chọn tham gia thị trường điện khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng; nhà máy điện được đầu tư theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT) tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo các hình thức như: Trực tiếp tham gia thị trường; Tham gia thị trường thông qua đơn vị chào giá thay thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo một trong các hình thức như: Trực tiếp tham gia thị trường; tham gia thị trường thông qua đơn vị chào giá thay thuộc EVN.

Mặt khác, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khi trực tiếp tham gia thị trường hoặc đơn vị chào giá thay nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của bên bán điện theo Quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Đặc biệt, các nguồn điện nhập khẩu, các nhà máy điện sử dụng năng lượng giá, mặt trời, địa nhiệt không phân biệt mức công suất đặt, các nhà máy thủy điện có công suất đặt từ 30MW trở xuống không tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Về phía bên mua điện gồm có 5 tổng công ty Điện lực; khách hàng sử dụng điện lớn mua điện từ cấp điện áp 110kV trở lên đấu nối trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp điện áp 220kV đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương; đơn vị mua buôn mới được phép tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương; Công ty Mua bán điện (thuộc EVN).

Cũng theo Quyết định này, việc triển khai thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hình thành và phát triển theo 4 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị thị trường bán buôn điện cạnh tranh (đến hết năm 2015); giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2016 (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực); giai đoạn vận hành thí điểm bước 2 thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2017-2018; giai đoạn vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2019.

Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), mục tiêu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao cạnh tranh, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu quả, không những vậy phải đảm bảo ngành Điện phát triển bền vững nhưng giá điện phải hợp lý.

Trích nguồn : http://www.baohaiquan.vn/

Chính phủ gia hạn nộp thuế 2 năm để giúp TKV khắc phục mưa lụt

Chính phủ vừa đồng ý một số cơ chế ưu đãi để giúp TKV giải quyết khó khăn, khắc phục hậu quả do mưa lụt. Theo đó, thuế tài nguyên sẽ được đưa về mức 5% đối với khai thác than hầm lò và 7% đối với khai thác than lộ thiên, tương đương như mức thuế áp dụng ở thời điểm năm 2013. Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý gia hạn nộp thuế 2 năm với ngành Than, nhất là giãn nộp phí tài liệu thăm dò khai thác để giúp TKV có vốn khắc phục mưa lũ. Đồng thời hỗ trợ tiền di chuyển dân khỏi vùng nguy hiểm, chi phí tái định cư… đưa vào chi phí giá thành của ngành. Đối với người lao động, chi hỗ trợ trong thời gian 1 tháng đối với các đơn vị chi nhánh trực thuộc TKV. Tuy nhiên, đối với các đơn vị cổ phần, do Luật Doanh nghiệp quy định nên không được áp dụng cơ chế này...

Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo ngành Than tiếp tục thống kê thiệt hại, báo cáo Bộ để trình Chính phủ có cơ chế phù hợp giúp TKV đẩy mạnh khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định công ăn việc làm và đời sống người lao động.

Ngành Than đang khắc phục hậu quả do mưa lụt. (Ảnh minh họa)

Trích nguồn : http://www.baoquangninh.com.vn/

Công ty Khai thác khoáng sản (TCT Đông Bắc): Vượt khó, ổn định sản xuất

Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản là một trong số những đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đông Bắc phải chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 27-7 đến 4-8. Bên cạnh việc huy động hàng ngàn các cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân vùng mưa lụt, đơn vị cũng đã chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nỗ lực vượt khó, ứng phó với hậu quả của mưa lụt, nhanh chóng ổn định sản xuất.

Công ty thực hiện hạ đường vận chuyển ở mức +70, mỏ Đông Đá Mài.

Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản được giao quản lý hai mỏ Đông Đá Mài (phường Cẩm Tây, Mông Dương, TP Cẩm Phả) và Tân Lập (phường Hà Phong, TP Hạ Long) với trữ lượng than lớn có khả năng đáp ứng cho sản xuất từ 15-20 năm tới. Sau trận mưa lớn lịch sử những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, một số tuyến đường vận chuyển, các kho, bãi chứa than... tại khu vực mỏ Đông Đá Mài và mỏ Tân Lập đều bị ảnh hưởng không nhỏ. Để “mục sở thị” thực trạng này, chúng tôi tới khai trường mỏ Đông Đá Mài. Nơi đây được biết tới là công trường than lộ thiên tinh nhuệ của Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản với hàng trăm lao động và thiết bị hiện đại. Trên con đường vào mỏ, chúng tôi được chứng kiến hàng chục chiếc xe tải, máy xúc, xe cẩu nườm nượp nối đuôi nhau tiến vào các tầng khai thác của mỏ, nhưng các xe này vào không phải để chở than mà để bốc xúc đất đá bị sạt sau mưa lụt. Những người công nhân lao động thì hối hả gia cố bờ kè, sửa chữa lại khu vực nhà ở bị sạt lở...

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi khi tới mỏ Đông Đá Mài chính là khu vực xưởng sửa chữa của Công ty. Tại đây, chúng tôi gặp Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản đang trực tiếp chỉ huy công nhân thực hiện bốc xúc đất đá, gia cố bờ kè. Vừa chỉ cho chúng tôi những mảng tường bị vỡ tại khu vực xưởng sửa chữa, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp vừa chia sẻ với chúng tôi: Khu vực xưởng sửa chữa của Công ty tại mỏ Đông Đá Mài bị sạt khoảng 4.000m3 đất đá, khiến cho một góc hệ thống xử lý nước sinh hoạt bị nghiêng, ảnh hưởng tới việc cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 450 công nhân tại khai trường. Ngoài khu vực xưởng sửa chữa, một số tuyến đường tại khai trường mỏ Đông Đá Mài như tại tầng khai thác +140, +190, +320, +330 cũng bị sạt nghiêm trọng; hệ thống đường liên lạc từ khu vực phía Bắc sang phía Nam khai trường cũng bị cắt đứt. Tiếp đó, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp còn đưa chúng tôi tới khu vực moong cánh Đông khai trường. Khu vực này đang bị khoảng 150.000m3 đất đá từ khu vực tầng +380 Công ty CP Than Cao Sơn sạt vào...

Giống như mỏ Đông Đá Mài, mỏ Tân Lập cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Hệ thống tuyến đường bê tông từ văn phòng, công trường lên khai trường mỏ Tân Lập bị nước suối cuốn trôi khoảng 100m đường vào mỏ; 4 đập chắn bị vỡ và một cột điện phục vụ sản xuất bị đổ. Tại khu vực Khe Hùm đường liên lạc đã bị phá cắt, một số tầng khai thác tại khu vực Bắc Khe Hùm bị đất đá ngoài ranh giới khai thác trôi, tụt xuống do lượng mưa lớn. Bên cạnh đó, khu vực đường vận chuyển than giáp với mỏ Hà Ráng (Công ty Than Hạ Long) cũng bị sạt khoảng 200m không lưu thông được.

Trước những ảnh hưởng không nhỏ này, Công ty đã chủ động bố trí lực lượng, thiết bị trực 24/24h để khơi thông hệ thống thoát nước và gia cố hệ thống bờ be tại các khu vực khai trường, bãi thải, kho than, hệ thống đập chắn suối tại phường Hà Phong (TP Hạ Long) nhằm đảm bảo an toàn về người và thiết bị. Đồng thời tiến hành gia cố sửa chữa lại nhà ở cho công nhân, khắc phục hệ thống lọc nước phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên mỏ Đông Đá Mài. Đơn vị đã và đang tiến hành gia cố lại hệ thống thoát nước mỏ, chuẩn bị tổ chức bơm nước khu vực moong bị ngập. Cùng với đó, đơn vị cũng bố trí tạo diện bốc xúc tại vị trí tầng cao trên mức thông thuỷ nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất. Dự kiến, trong khoảng 10-15 ngày tới, Công ty sẽ tiến hành cải tạo xong đường vận chuyển, các tầng khai thác, bãi thải, moong, rãnh thoát nước để ổn định sản xuất. Song song với đó, đơn vị cũng sẽ tích cực phối hợp với UBND phường Hà Phong (TP Hạ Long) để di dân ra các vị trí an toàn đề phòng nguy cơ sạt lở đất; tiếp tục giúp nhân dân, chính quyền dọn dẹp đường, ngõ, gia cố các điểm kè bị sạt lở...

“Trong tháng 8 tới, đơn vị sẽ tiếp tục huy động hầu hết số lượng công nhân, lao động tại các mỏ để khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra. Còn số công nhân lao động không tham gia khắc phục sự cố, đơn vị sẽ giải quyết cho nghỉ phép trong khoảng thời gian từ 10-15 ngày. Chắc chắn, với sự đoàn kết, nỗ lực hết sức của tập thể cán bộ, công nhân viên lao động, trong thời gian ngắn nhất, Công ty sẽ sớm khắc phục được những hậu quả mưa lụt, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.

Trích nguồn: http://www.baoquangninh.com.vn/

Nhà đầu tư ngoại lạc quan về chứng khoán Việt Nam

 - Bloomberg nhận định, nhà đầu tư ngoại lạc quan về chứng khoán Việt Nam vì giá cổ phiếu rẻ trong khi nền kinh tế đang phát đi tín hiệu khả quan.
Bloomberg dẫn lời của đại diện một số công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ duy trì xu hướng tăng mạnh nhất Đông Nam Á khi kế hoạch nới trần sở hữu (room) và sự khởi sắc của nền kinh tế đang tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Gam màu hồng
Hãng tin này cho hay, từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng 11% - mức cao nhất trong vòng 5 năm, trong khi chỉ số MSCI Southeast Asia Index của thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á sụt 12%.
Mặc dù vậy, giá cổ phiếu của Việt Nam hiện vẫn rẻ hơn 18% so với giá cổ phiếu trong khu vực. Trong năm nay, tính đến ngày 6/8, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” 223,1 triệu USD vào thị trường chứng khoán trong nước.
Trong khi giá hàng hóa cơ bản và triển vọng Mỹ tăng lãi suất đã khiến nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực như Indonesia và Thái Lan suy giảm, thì các nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thị trường sơ khai (frontier market) vẫn tiếp tục lạc quan về triển vọng của thị trường Việt Nam, nơi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất trong 2 năm. Đặc biệt, Chính phủ đang chuẩn bị nới “room” cho các nhà đầu tư ngoại ở một số ngành từ 49% lên 100%.
Bloomberg trích dẫn nhận định của ông Thomas Hugger, Giám đốc điều hành của Công ty quản lý quỹ Asia Frontier Capital có trụ sở ở Hồng Kông, cho biết “Chúng tôi tiếp tục mua cổ phiếu Việt Nam vì nền kinh tế đang phát đi những số liệu khả quan và ở thời điểm này giá cổ phiếu đang rẻ”.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% cho năm 2015, từ mức tăng trưởng khoảng 6% đạt được trong năm ngoái. Tốc độ lạm phát ở dưới mức 1% trong 5 tháng đầu năm nay, giảm từ mức đỉnh vào tháng 8/2004.
Hệ số giá/thu nhập (P/E) của thị trường Việt Nam hiện ở mức 12 lần, so với mức 14,7 lần của các cổ phiếu trong chỉ số MSCI Southeast Asia.
Cơ hội mở
Theo Bloomberg, Việt Nam coi đầu tư nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày trên sàn TP HCM mới chỉ bằng 1/10 so với thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực là Singapore.
Tháng 10/2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) tuyên bố đưa Việt Nam thành thị trường chứng khoán mới nổi (emerging market) từ thị trường sơ khai như hiện nay theo phân loại của MSCI Inc.
Ông James Bannan, nhà quản lý quỹ Frontier Markets Fund ở Thụy Điển, nhận xét: “Việc nâng trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài là một sự kiện có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Bước đi quan trọng tiếp theo trong việc mở cửa thị trường là Chính phủ Việt Nam bán ra cổ phần ở nhiều công ty niêm yết.”
Nhà quản lý quỹ Frontier Markets Fund cho biết đang tiếp tục mua vào cổ phiếu Việt Nam và rất quan tâm đến cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, Công ty tư vấn Project Asia Research & Consulting Pte. có trụ sở ở Singapore lại lo ngại rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ “mệt” với quy trình phức tạp khi các công ty muốn xin nâng “room”, trong khi việc Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần hoặc sở hữu chéo đồng nghĩa với việc quyền của các nhà đầu tư nhỏ bị hạn chế.
Ông Attila Vajda, Giám đốc điều hành của Project Asia Research, cho rằng, cải cách đang diễn ra chậm và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại cải cách có thể bị đảo ngược nếu nền kinh tế hoặc thị trường chứng khoán đi xuống.
Theo ông Shamoon Tariq, nhà quản lý quỹ Tundra Fonder ở Stockholm, Thụy Điển, các bước đi của Chính phủ nhằm mở cửa khu vực kinh tế Nhà nước, cùng với dân số trẻ và giá nhân công rẻ là những nhân tố đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán sơ khai hấp dẫn nhất hiện nay.

 Trích nguồn : Bloomberg/VOV

Hỗ trợ trực tuyến

4384594
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1438
4123
5561
2330825
84540
4384594

Your IP: 18.217.98.175
Server Time: 2024-11-25 07:38:03

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 47 guests and no members online