Warning
  • Sorry No Product Found!!.

Đất Cảng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Hơn 400 dự án, hơn 10 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng trong những năm qua là những con số thực sự ấn tượng. Nô nức nhà đầu tư, dồn dập dự án đến với Hải Phòng, đặc biệt trong 5 năm gần đây có nhiều “dự án tỷ USD” cho thấy sức hấp dẫn của thành phố. Ý nghĩa hơn khi dần dần, các dự án FDI càng đi vào chiều sâu, với chất lượng hơn hẳn cả về nguồn vốn, quy mô và công nghệ. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Hải Phòng.

Thêm nhiều dự án vốn lớn, công nghệ hàng đầu

Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Dương Ngọc Tuấn cho biết: kết quả thu hút FDI 7 tháng năm 2015 khá ấn tượng với 504,9 triệu USD. Trong đó, có tới gần 2/3 số dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Nổi bật là dự án nhà máy điện tử Haesung với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD vào Khu CN Tràng Duệ, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử thông qua việc cung cấp linh, phụ kiện cho nhà máy LGE. Cùng với các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ khác, sẽ làm chuyển biến căn bản cơ cấu hàng xuất khẩu của Hải Phòng khi tỷ trọng hàng điện tử gia tăng nhanh.

 Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Khu CN Sài Gòn- Hải Phòng Bùi Thế Long, LGE đầu tư vào Khu CN Tràng Duệ kéo theo hàng chục nhà đầu tư khác làm vệ tinh. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thu hút nguồn vốn FDI của Hải Phòng có sự thay đổi về “chất”, thay vì tiêu tốn, sử dụng nhiều tài nguyên như trước chuyển hướng sang các ngành công nghiệp cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, từ một dự án lớn có thể kéo theo nhiều dự án lớn, nhỏ khác, tạo thành chuỗi cung ứng liên hoàn và tiện lợi.

Điều này được minh chứng thêm khi tại lễ khai trương dự án LGE tháng 3- 2015,  ông Bon-Joon Koo, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LG khẳng định, nhà máy mới của LG tại Hải Phòng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu. LG  sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại nhà máy dự kiến đạt 50% trong giai đoạn 1. Phần lớn sản phẩm của LG sản xuất tại khu công nghiệp Tràng Duệ sẽ được tiêu thụ toàn cầu. Như vậy, Hải Phòng không chỉ thành công trong thu hút Tập đoàn LG đầu tư với tổng số vốn 1,5 tỷ USD-dự án FDI lớn nhất từ trước tới nay, mà còn chính từ dự án này thu hút thêm được các dự án nhiều triệu USD khác.

Công nhân trong dây chuyền cắt tôn sản xuất đồ gia dụng tại Công ty TNHH JSHP (Khu công nghiệp và dịch vụ Vsip Hải Phòng).  Ảnh: Hoàng Anh Tuấn

Công nhân trong dây chuyền cắt tôn sản xuất đồ gia dụng tại Công ty TNHH JSHP (Khu công nghiệp và dịch vụ Vsip Hải Phòng).Ảnh: Hoàng Anh Tuấn

Trước đó, dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone tại Khu CN Đình Vũ cũng rất “khủng” với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, sản phẩm cũng nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, phải kể đến dự án mở rộng Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng (tăng vốn từ 145,9 triệu USD lên 268,2 triệu USD); dự án sản xuất chi tiết, phụ tùng, linh kiện nhựa Dong Yang Hải Phòng (38 triệu USD); dự án sản xuất loa tivi, động cơ rung cho điện thoại, tai nghe blutooth Bluecon Vina (50 triệu USD); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (259 triệu USD); dự án sản xuất nam châm đất hiếm, với việc đầu tư sản xuất áp dụng công nghệ nguồn (100 triệu USD),… Ngoài ra, còn nhiều dự án của những thương hiệu nổi tiếng khác, như nhà máy sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma  với số vốn đầu tư 250 triệu USD; nhà máy sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox với số vốn đầu tư 119 triệu USD; nhà máy Kyocera 187 triệu USD…

 Thúc đẩy tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng

 Những năm qua, khu vực DN FDI đạt tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu, bình quân 30%/ năm, chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu, góp phần để nền kinh tế Hải Phòng hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thị trường mở rộng tới 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 Cùng với đó, nguồn vốn FDI góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp, khi tỷ lệ vốn đầu tư của các dự án FDI vào công nghiệp chiếm tới hơn 70%. Phần lớn sản phẩm quan trọng có sự tham gia của DN FDI có sự tăng trưởng nhanh, mạnh như  xi măng, thép cán, ống thép, gang đúc, thủy tinh, quần áo may sẵn, hàng dệt kim, giày dép, cáp điện, kết cấu thép phi tiêu chuẩn, phụ tùng ô tô, rô- bốt công nghiệp, hóa chất, máy điều hòa, lò vi sóng, máy giặt, máy in, máy phô- tô- cop- pi, thiết bị văn phòng, tua bin phát điện gió, dược phẩm… 7 tháng năm 2015, chỉ số IIP công nghiệp tăng trưởng tới 15,8% có sự đóng góp quan trọng của khu vực DN FDI. Không những thế, nguốn vốn FDI còn có tác động không nhỏ tới chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ, tập trung nhiều vào những ngành mà thành phố có lợi thế như dịch vụ cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển… Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hải Phòng ngày càng rõ ràng, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao… Từ đó, vốn FDI có vai trò tích cực trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực; tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới với thu nhập ổn định; đóng góp cho ngân sách… 

Kết quả trong thu hút nguồn vốn FDI cho thấy, Hải Phòng trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng quá trình cải cách hành chính ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt, cùng quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố và các ngành, các cấp, với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vượt trội đã và đang hình thành; trong đó Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải có nhiều chính sách ưu đãi và một loạt khu CN đang sẵn sàng, Hải Phòng sẽ đạt kết quả lớn hơn trong thu hút nguồn vốn FDI với chất lượng và hiệu quả cao hơn, góp phần đắc lực đưa thành phố phát triển đột phá trong những năm tới.

 Trích nguồn : http://baohaiphong.com.vn/

Áp lực lãi suất cuối năm

- Thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đã tăng cao hơn huy động. Nhiều ngân hàng (NH) đã rục rịch tăng lãi suất huy động để hút tiền tiết kiệm. 3 tháng cuối năm thường là “mùa tín dụng” của các NH, kéo theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay có thể chịu sức ép tăng.
Lãi suất huy động nhích dần, chạy đua khuyến mãi
Nhiều NH vừa đồng loạt tăng lãi suất huy động với mức từ 0,1 - 0,3 %/năm, áp dụng từ tháng 9/2015. Trong đó, lãi suất huy động một số kỳ hạn tại Sacombank và SeABank đã tăng thêm 0,1 %/năm, mức tăng tại VIB từ 0,2 - 0,3 %/năm. Trước đó NH An Bình cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2 %/năm...
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh HDbank Hà Nội.    Ảnh:  Thanh Hải
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo các NH, ngoài nhu cầu vay vốn đang tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản do thị trường này bắt đầu “ấm” lại, tiền gửi USD cũng nhích lên sau khi tỷ giá được điều chỉnh nên các NH phải tăng nhẹ lãi suất huy động VND để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm VND.
Một số NH dù chưa tăng lãi suất nhưng áp dụng thưởng, khuyến mãi. Đơn cử, BIDV triển khai chương trình “Tiền gửi may mắn ngập tràn”, với nhiều hình thức giải thưởng quà tặng trao ngay khi gửi tiền, giải thưởng hàng tuần, quay thưởng cuối chương trình. PVcomBank đưa ra sản phẩm “Hành trang cho con yêu” kèm theo nhiều cơ hội nhận các phần quà tặng hấp dẫn, bốc thăm trúng thưởng dành cho con yêu. Hay mới đây nhất, Nam A Bank tung ra chương trình gửi tiết kiệm khuyến mãi chào mừng sinh nhật 23 năm "Gửi tiền ngay - Quà liền tay" với gần 3.000 quà tặng ngay trên tất cả các điểm giao dịch.
Theo đó, ngoài việc được hưởng mức lãi suất hấp dẫn, mức phí ưu đãi, với số tiền gửi chỉ từ 400.000 đồng để tiết kiệm hoạch định tương lai cho con yêu hoặc 5.000.000 đồng trở lên khi tham gia sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường, khách hàng sẽ nhận ngay những phần quà ý nghĩa là nhẫn vàng 99,99 mang thương hiệu VietnamGold – Nam A Bank, đồng hồ treo tường, bộ bình nước thủy tinh, ấm đun siêu tốc, túi du lịch…
Thách thức giảm lãi suất cho vay
Sau hai đợt điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ của NHNN, một số NH thương mại đề nghị nâng lãi suất huy động để đối phó với những áp lực hiện tại trên thị trường ngoại hối, do nhu cầu ngoại tệ để tất toán các hợp đồng với nước ngoài cuối năm là rất lớn. Trong cuộc họp với các NH, NHNN đã yêu cầu các NH hạn chế ký mới và rút ngắn các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn và khẳng định sẽ “chưa tính đến việc tăng lãi suất cũng như tỷ giá”. Tuy nhiên, trên thực tế, sau những cam kết mới nhất của NHNN, áp lực lên tiền đồng tạm thời lắng dịu nhưng lãi suất vẫn có xu hướng tăng. Các NH cho rằng, khó có khả năng lãi suất sẽ giảm vì tín dụng đã tăng nhanh từ đầu năm cộng với cung tiền đang cao sau hai đợt điều chỉnh tỷ giá.
Thời điểm này, tín dụng đã tăng cao hơn huy động. Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 25/8, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014. Con số này gấp hơn 2 lần so với mức tăng 4,33% cùng thời điểm này năm 2014, trong khi tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng khoảng 7,26%. “Nếu tăng lãi suất huy động ngay sẽ giúp NH giữ chân được khách hàng, song mặt trái của nó là NH sẽ phải tăng lãi suất cho vay. Nếu phải tăng lãi suất huy động mà vẫn giữ nguyên lãi suất đầu ra thì NH lại rơi vào tình huống khó khăn do lãi biên vốn đang thấp lại thấp hơn thì NH sẽ không đảm bảo bù đắp chi phí, thậm chí rơi vào tình cảnh càng cho vay càng lỗ” - Phó Tổng giám đốc một NH cổ phần chia sẻ.
Đầu năm, ngành NH đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 – 15%, rồi sau đó điều chỉnh lên 15 – 17%. Đi kèm với đà tăng tốc của tín dụng, áp lực tăng lãi suất cho vay cũng ngày một tăng dần. Trên thực tế, một đợt điều chỉnh lãi suất huy động thêm 0,2 - 0,5% đã diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua tại hầu hết các NH. Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, điều này phản ánh thực tế thanh khoản của hệ thống không còn ở trạng thái quá dư thừa và nếu cầu vốn tăng tốc mạnh trong những tháng cuối năm, viễn cảnh tăng lãi suất cho vay sẽ không còn xa. Tuy vậy, mức độ tăng là bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào khả năng cân đối cung - cầu vốn và khả năng co kéo giữa lãi suất huy động và cho vay, đầu tư (NIM) nhằm giữ chân khách hàng của từng NH.
Trong khi đó, một số NH cho biết, giai đoạn 3 tháng cuối năm thường được giới NH gọi vui là “mùa tín dụng”. Tuy nhiên, các NH sẽ không cho vay dễ dãi như trước đây bởi một phần lo ngại nợ xấu, một phần phải đảm bảo được mức chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra hợp lý (trên 2%).
Trích nguồn : http://www.ktdt.vn/

Những nhóm hàng nhập khẩu chính 7 tháng năm 2015

- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong 7 tháng/2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 187,06 tỷ USD, tăng12,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu đạt 95,29 tỷ USD, tăng 16%. Những nhóm hàng nhập khẩu chính, gồm:

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 7 tháng/2015 đạt 95,29 tỷ USD, tăng 16%. Ảnh internet.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7 là 2,49 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 7 tháng/2015 lên gần 16,4 tỷ USD, tăng mạnh 33,8% so với 7 tháng/2014. Khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu 10,5 tỷ USD, tăng 44,4% trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 5,88 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 7 tháng qua với trị giá là 5,29 tỷ USD, tăng 25,6%; tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc 3,12 tỷ USD, tăng mạnh 81%; Nhật Bản 2,89 tỷ USD, tăng 45,2%; Đài Loan 886 triệu USD, tăng 17,6%…

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7 là 1,96 tỷ USD, tăng 9% so với tháng trước. Tính trong 7 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 13,14 tỷ USD, tăng 35%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 12,1 tỷ USD, tăng 36,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là hơn 1 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 3,89 tỷ USD, tăng 38,9%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc 2,82 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản 1,29 tỷ USD, tăng 51,1%; Singapore: 1,21 tỷ USD, giảm 6,6%; Đài Loan 1,16 tỷ USD, tăng mạnh 72,1%... so với cùng kỳ năm 2014.

Điện thoại các loại và linh kiện: kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt gần 861 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng/2015 lên 5,22 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kì năm 2014.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng đầu năm chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng18,2% và chiếm 64,18% kim ngạch nhập khẩu của cả nước; Hàn Quốc đạt gần 1,48 tỷ USD, tăng 57,6%…so với cùng kì năm 2014.

Sắt thép các loại:  Nhập khẩu sắt thép trong tháng 7 là 1,72 triệu tấn, trị giá là 793 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và giảm 7,2% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 7-2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 8,43 triệu tấn, tăng 40,3% về lượng. Đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân trong 7 tháng đầu năm 2015 giảm 21,3% nên trị giá nhập khẩu là 4,47 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Sản phẩm từ sắt thép: Trong tháng 7-2015, cả nước nhập khẩu hơn 347 triệu USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 7-2015, tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước là 2,41 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong 7 tháng/2015, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với trị giá hơn 846 triệu USD, tăng 65,4%; từ Hàn Quốc là 701 triệu USD tăng 92,6 so với cùng kỳ năm trước,…

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 17% so với tháng trước đạt 905 nghìn tấnnhưng trị giá nhập khẩu là 491 triệu USD, chỉ tăng 6,9% so với tháng trước. Tính đến hết 7 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 5,93 triệu tấn với trị giá là 3,42 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và giảm 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapore với 2,64 triệu tấn, tăng 37,2%; Thái Lan 978 nghìn tấn, tăng mạnh 276%; Trung Quốc 914 nghìn tấn, giảm 5,3%; Đài Loan 656 nghìn tấn, giảm 23%... so với 7 tháng/2014.

Chất dẻo nguyên liệu: Lượng nhập khẩu trong tháng 7-2015 là 328 nghìn tấn, trị giá đạt gần 532 triệu USD. Tính đến hết tháng 7-2015, tổng lượng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của Việt Nam là 2,13 triệu tấn, tăng 9,6%, kim ngạch nhập khẩu là 3,35 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu từ các thị trường: Hàn Quốc đạt 359 nghìn tấn,tăng 18,4%; Ả rập Xê út đạt 372 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,8%; Đài Loan đạt 270 nghìn tấn tăng 13,6%; Thái Lan đạt 168nghìn tấn, tăng 6,2%… so với cùng kỳ năm 2014.

Sản phẩm chất dẻo: Trong tháng 7-2015 sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu ở mức 349 triệu USD. Nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm đạt 2,11 tỷ USD tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu mặt hàng sản phẩm chất dẻo từ Hàn Quốc trong 7 tháng năm 2015 là 620 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2014; Trung Quốc là 615 triệu USD, tăng 34,6%; Nhật Bản là 354 triệu USD tăng 3,2%,…

Nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 1,65 tỷ USD, giảm 14,7% so với tháng trước. Tính đến hết 7 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 9,1 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, trị giá vải nhập khẩu là 4,98 tỷ USD, tăng 8,9%; nguyên phụ liệu 2,5 tỷ USD, tăng 10,3%; bông là 856 triệu USD, tăng 8,1% và xơ sợi 758 triệu USD, tăng nhẹ 0,3%.

Trong  7 tháng/2015, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 3,7 tỷ USD, tăng 13,5%; tiếp theo là Hàn Quốc 1,37 tỷ USD, giảm 2,5%; Đài Loan 1,19 tỷ USD, tăng 6,6%… so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô nguyên chiếc: Lượng nhập khẩu trong tháng 7-2015 là 9,5 nghìn chiếc, giảm 1,8%. Đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô nguyên chiếc các loại giảm mạnh 30,9% nên trị giá nhập khẩu là 208 triệu USD, giảm 32,1%.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7-2015, lượng xe ô tô nguyên chiếc cả nước nhập về là 64,42 nghìn chiếc, tăng mạnh 104,7%, trị giá là 1,71 tỷ USD, tăng mạnh 152,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Trung Quốc là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam trong 7 tháng/2015 với hơn 18 nghìn chiếc,tăng mạnh 204%; tiếp theo là Hàn Quốc 14,2 nghìn chiếc, tăng 54,3%; Thái Lan 12,1 nghìn chiếc, tăng 99,2%; Ấn Độ 8,5 nghìn chiếc, tăng 77,5% ... so với cùng kỳ năm 2014.

Phân bón các loại: Lượng nhập khẩu phân bón trong 4 tháng trở lại đây luôn ở mức cao (bình quân là 415 nghìn tấn/tháng), cao hơn mức bình quân của năm 2014 (316 nghìn tấn/tháng). Tính trong tháng 7-2015, lượng phân bón nhập khẩu là 466 nghìn tấn, trị giá là 140 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với tháng trước.

Tính hết 7 tháng/2015, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 2,53 triệu tấn, trị giá là 795 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 7 tháng/2015 với 1,26 triệu tấn, tăng14,7%; tiếp theo là Nga 267 nghìn tấn, tăng 14,9%; Belarus 182 nghìn tấn, tăng 27,6%… so với cùng kỳ năm 2014.

Trích nguồn : http://www.baohaiquan.vn/

Vinalines dự kiến thu 1.500 tỷ đồng bán cổ phần cảng Hải Phòng

Với việc bán gần 30% cổ phần Cảng Hải Phòng cho đối tác chiến lược, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) dự tính có thể thu về số tiền trên 1.550 tỷ đồng để có thêm nguồn lực tái cơ cấu.

Theo tờ trình mới nhất của Vinalines, doanh nghiệp sẽ chuyển nhượng tiếp 29,68% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Cảng Hải Phòng về 65%. Hiện phần vốn do Vinalines thay mặt nhà nước nắm giữ tại cảng lớn nhất miền Bắc vẫn chiếm gần 95% trong số vốn điều lệ xấp xỉ 3.270 tỷ đồng.

Tỷ lệ chuyển nhượng lần này tương đương khoảng 970 triệu cổ phiếu. Với giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội đóng cửa phiên ngày 19/8 là 16.000 đồng mỗi cổ phần, Vinalines cho hay, số tiền thu về từ chuyển nhượng khoảng 1.550 tỷ đồng.

Theo tờ trình, hiện vẫn có ba đối tác chiến lược quan tâm gồm Tập đoàn Vingroup, Quỹ đầu tư Quốc vương Oman (SGRF) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Đề xuất mua lại số cổ phần nói trên của SGRF từng được ngành giao thông xin ý kiến Chính phủ và cơ bản được các bộ ngành đồng thuận. Trong khi đó việc xin mua tới 80% cổ phần của Nhà nước tại cảng này vẫn chưa được Thủ tướng chấp thuận. Còn Vietinbank đã được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước để hoán đổi nợ của Vinalines thành vốn góp tại một số cảng thành viên, trong đó có hai cảng lớn nhất nước là Sài Gòn và Hải Phòng.

Về phương thức thoái vốn, theo ông Lê Anh Sơn -Tổng giám đốc Vinalines, doanh nghiệp có thể giao dịch khớp lệnh (thỏa thuận gián tiếp) do đã niêm yết trên sàn hoặc thỏa thuận trực tiếp (có điều kiện) với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, lãnh đạo tổng công ty cho rằng, do Cảng Hàng Phòng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có khả năng giúp doanh nghiệp phát triển theo mô hình công ty cổ phần nên việc thỏa thuận trực tiếp, có điều kiện là phương thức phù hợp và có khả năng thành công cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cảng Hải Phòng thực hiện lưu chuyển 11,39 triệu tấn hàng hoá, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu đạt gần 837 tỷ đồng, trong đó khai thác cảng hơn 823 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ 2014.

Lợi nhuận trước thuế hai quý đầu năm của Cảng Hải Phòng xấp xỉ 191 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng thời gian này năm ngoái.

Theo kế hoạch, tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng năm nay dự kiến đạt 23,5 triệu tấn, tăng 19% so với thực hiện năm 2014. Doanh thu ở mức 1.720 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 380 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 6% - tăng so với phương án 5% khi tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng hồi đầu năm ngoái.

Trích nguồn : http://baocongthuong.com.vn/

Phá giá đồng Nhân dân tệ, doanh nghiệp nhập khẩu máy móc Việt mừng vì giá rẻ

Phá giá đồng Nhân dân tệ, doanh nghiệp nhập khẩu máy móc Việt mừng vì giá rẻ
Ảnh minh họa.
Việc đồng Nhân dân tệ liên tiếp giảm giá hơn 4,6% trong tuần vừa qua theo ý kiến của ông Võ Hải Phong, Phó giám đốc Công ty Thiên Bình việc nhập khẩu máy móc của doanh nghiệp sẽ được lợi do giá đã giảm đến 10% so với thời điểm trước đó.

Trong tuần vừa qua Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh đồng Nhân dân tệ giảm giá liên tiếp đến 4,6%.

Trước động thái này từ phía Trung Quốc, một số chuyên gia kinh tế, các công ty chứng khoán, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã đưa ra phân tích cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ gặp khókhăn, trở ngại.

Cụ thể BSC cho biết, ngoài nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và thương mại có khả năng được hưởng lợi thì có 3 nhóm ngành chính sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực là nhóm ngành cạnh tranh xuất khẩu, nhóm ngành Nhập khẩu và nhóm ngành nguyên vật liệu thô.

Đáng lưu ý, việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc như nông thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc được dự báo sẽ gặp khó khăn khi phía doanh nghiệp nhập khẩu gây áp lực giảm giá bán, hoặc vấp phải sự cạnh tranh với chính doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đến việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, hoạt động giao thương, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thanh long vẫn diễn ra bình thường tại các cửa khẩu.

Trao đổi trên VTV, bà Đặng Thị Ngân, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) còn cho biết xuất khẩu đang có xu hướng tăng và các phương tiện lưu thông bình thường.

Thậm chí, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nơi có trên 90% hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu được thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc một số doanh nghiệp còn cho biết, đồng Nhân dân tệ mất giá khiến doanh nghiệp hưởng lợi.

Ông Võ Hải Phong, Phó giám đốc Công ty Thiên Bình cho biết, với 1.000 Nhân dân tệ đổi sang tiền đồng mất hơn 3,4 triệu nên hợp đồng trả chậm sẽ được lợi và rẻ 10%.

Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, (Lạng Sơn) cho biết, hàng hoá Trung Quốc hạ giá, hàng buôn lậu sẽ mở tờ khai tại cửa khẩu với thuế suất thấp là thuận lợi cho các ngành chức năng chống buôn lậu.

"Tuy nhiên điều trên tiềm ẩn khó khăn là hàng giả hàng nhái, vi phạm nhãn mác kém chất lượng sẽ tràn về Việt Nan", ông Bộ cảnh báo.

 

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2015. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 vừa qua kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 4,36 tỷ USD, nâng tổng mức nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm từ nước này lên 28,4 tỷ USD.

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,34 tỷ USD trong tháng 7 và đạt hơn 9 tỷ USD trong 7 tháng.

Như vậy, tổng mức nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trong tháng 7 là trên 3 tỷ USD, còn mức nhập siêu 7 tháng là khoảng 19,3 tỷ USD.

Trong số trên 28 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc có tới 6 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Đứng đầu là kim ngạch nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 5,29 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện 3,88 tỷ USD, vải các loại 2,98 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2,81 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập ôtô nguyên chiếc các loại và linh kiện phụ tùng ôtô cũng đạt trên 1 tỷ USD.

Trích nguồn : BizLIVE

Hỗ trợ trực tuyến

4384560
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tổng
1404
4123
5527
2330825
84506
4384560

Your IP: 3.149.214.223
Server Time: 2024-11-25 07:27:28

SUPPORT ONLINE

Ông Giang Tử - 0913.329.033
Bà Nga - 0903.228.574

 

 

We have 36 guests and no members online